Dự án số 12 – Xây dựng nhà trẻ ở Mè Nắng, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, miền Bắc Việt Nam

Cập nhật tháng 6 năm 2017: : Vào ngày 22/06/2017 nhóm Quỹ LOAN Stiftung (gồm Isabelle Müller, Corinna Buchholz và Werner Huemer) đã đến thăm xã Xín Cái (bằng kinh phí tự túc, không dùng ngân sách của Quỹ). Đầu tiên, chúng tôi dự tính đi xe ô tô rồi xe máy đến thôn Mè Nắng, nhưng vì mưa lớn suốt mấy tuần trước đó đã khiến đường không thể đi được. Đá rơi, đường bị hư hỏng và ngập lụt khiến chuyến đi của chúng tôi bị hủy. Vào lúc đó, chúng tôi đang ở vùng núi đối diện với Mè Nắng. Vì vậy, chúng tôi quyết định đi bộ vài trăm mét đường mòn để quan sát dự án từ xa. Và điều đó cũng có tác dụng.

Khoảng cách giữa xã Xín Cái và trung tâm huyện Mèo Vạc là 32km. Do vị trí địa lí, giáo dục và phát triển kinh tế ở xã rất tụt hậu. Ở phía Bắc, Xín Cái giáp xã Thượng Phùng, ở phía Nam giáp xã Giàng Chù Phìn và xã Sơn Vĩ. Trung Quốc nằm giáp ở phía Đông (chung 8.7km đường biên giới). Xã Pả Vi và Pải Lủng nằm sát ngay phía Tây. Xín Cái bao gồm 19 làng, 6 trong số đó giáp với Trung Quốc.
Xã Xín Cái nằm trên độ cao 1200m so với mặt nước biển và trải rộng tổng cộng 3.590,51 ha. Trong đó 2.211,3 ha sử dụng cho nông nghiệp và 1.200,93 ha là rừng (với 968,22 ha là khu bảo tồn thiên nhiên) và 178,28 ha không canh tác. Dốc đứng (độ dốc trung bình 25%) hình thành từ đá vôi gây khó khăn cho việc canh tác và khí hậu khắc nghiệt và khô hạn. Mùa rét gây nhiều thiệt hại. Tuyết rơi không phải là điều bất thường ở đây. Nhiệt độ trung bình năm ở đây là 15,7°C, nhiệt độ tháng cao nhất trung bình vào khoảng 19,7°C và tháng lạnh nhất là 12,9°C. Mùa đông đến đi kèm sương dày đặc và nhiệt độ có thể xuống đến -6°C. Ngoài ra còn xuất hiện xói mòn vào mùa mưa, hạn hán và khô cằn.
Theo thống kê năm 2017, có 902 hộ gia đình (gồm 5049 nhân khẩu) sống ở xã Xín Cái. 63.3% là hộ nghèo. Xã gồm 9 dân tộc thiểu số: H’Mông (70,18%), Dao, Lô Lô, Giáy, Tày, Xuồng, Nùng, Hoa và Kinh
(https://de.wikipedia.org/wiki/Völker_Vietnams). Đa số sống bằng nông nghiệp (trồng ngô, lúa, đậu nành, những loại khác và thức ăn cho động vật), lâm nghiệp và chăn nuôi.
62 hộ (359 nhân khẩu) sống ở Mè Nắng. Nhiều người thuộc dân tộc thiểu số Lô Lô. Mè Nắng có đường biên giới với Trung Quốc dài. Vì việc tái định cư là rất khó khăn, cư dân ở đây thường ở trong thôn của họ. Hiện tại, tại trường học ọp ẹp của Mè Nắng, 49 trẻ mẫu giáo và 20 trẻ tiểu học học cùng lúc. Ngôi trường không chống chọi được với thời tiết và chỉ là phương án tạm thời. Mưa dột và gió thốc vào lớp học. Bọn trẻ lạnh cóng khi ngồi học vào mùa đông. Một số phải đi đến trường xa hơn để có được con chữ. Số khác nghỉ học vì lớp học quá đông và điều kiện học tập không thể chịu nổi. Các lớp học chất lượng tốt không thể được đảm bảo và ngay cả mức giáo dục cơ bản cũng chắc chắn không thể đạt được.
Với điều kiện môi trường hợp lý và thông thoáng hơn, chắc chắn các bé sẽ có thể phát triển tốt hơn và qua đó trau dồi các kỹ năng xã hội. Các bé có thể được tiếp cận với nền giáo dục thường xuyên hơn và vui vẻ cắp sách đến trường cũng như học hành. Hơn thế nữa, các em có thể tiếp cận với nền giáo dục tốt hơn, chất lượng cao hơn. Với trình độ giáo dục cơ bản hay thậm chí còn có thể cao hơn, các em hoàn toàn có thể theo kịp các em ở cùng độ tuổi đến từ các khu vực có điều kiện tốt hơn. Các em sẽ có cơ hội học cao hơn nữa và cải thiện tương lai của mình. Thêm vào đó, những trẻ em này sẽ không phải lặn lội đến trường trên những cung đường hết sức nguy hiểm. Với cơ sở hạ tầng mới, lâu dài và ngay tại địa phương thì giáo viên có thể đảm bảo các lớp học chất lượng. Gia đình và từ đó là toàn xã hội cũng sẽ yên tâm. Nghèo đói sẽ được đẩy lùi hiệu quả.

Mè Nắng cách trung tâm cộng đồng 12km (với 7km là đường nhựa, 3km đường sỏi và 2km đường mòn). Vận chuyển hàng hóa và vật liệu xây dựng với độ dốc từ 12% đến 15% là vô cùng nguy hiểm. Vì vậy gạch EPS có thể chịu được thời tiết được xem là giải pháp lí tưởng cho xây dựng. Mọi người sẽ giúp đỡ chuẩn bị công trường xây dựng.
Cùng với những đối tác Việt Nam, chúng tôi vạch ra kế hoạch và ước tính chi phí để xác định những điều cần làm. Hướng về một tương lai tươi sáng hơn thì làng Mè Nắng cần những thứ sau:

1 x ngôi trường (2 phòng học và 1 phòng giáo viên)

Tổng số tiền cần có: khoảng 29.200 đô Mỹ (tương đương 27,300 euro)

Vì LOAN là một Quỹ lưu động nên chúng tôi có thể tiến hành hỗ trợ trực tiếp một cách nhanh nhất. Để thực hiện dự án, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Chúng tôi lạc quan rằng, chúng tôi có thể kêu gọi đủ kinh phí cho dự án.

Thông qua sự hợp tác và liên lạc thường xuyên với các đối tại Việt Nam, chúng tôi sẽ theo dõi sát sao dự án này và giám sát trực tiếp việc xây dựng, đồng thời sẽ cập nhật thường xuyên tiến độ thực hiện dự án.

Chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu bạn hỗ trợ chúng tôi về mặt tài chính cũng như tinh thần trong những nỗ lực của chúng tôi cho dự án này. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!

Cập nhật vào tháng 9 năm 2017: Vào ngày 16/09/2017 nhóm 2 người của Quỹ LOAN (Isabelle Müller và Corinna Buchholz) đã đến thăm xã Xín Cái (bằng kinh phí tự túc,không dùng ngân sách Quỹ). Kể từ lần thăm trước, những thông điệp đầy âu lo đã được gửi tới chúng tôi từ Mè Nắng. Khu định cư của người Lô Lô dưới sườn núi đã bị mưa dầm tấn công nặng nề. Đã có nhiều trận lở đất (gây thương vong cho người và động vật). Con đường tồn tại duy nhất dẫn đến Mè Nắng đã bị cuốn trôi. Mùa màng bị phá hủy. Tình trạng nguy cấp đó diễn ra hàng tháng trời. Vào ngày chúng tôi đến thăm thì chính thức đã có 27 gia đình được tái định cư. Hành động cấp thiết này do Chính phủ Việt Nam thực hiện đã có tác động tích cực: trong tương lai, cộng đồng người Lô Lô sẽ sống ở nơi an toàn và Chính phủ sẽ xây dựng thêm các cơ sở giáo dục ở đây (như trường mẫu giáo và tiểu học). Sự an toàn của con người được ưu tiên nên chúng tôi rất hoan nghênh sáng kiến này. Cùng lúc đó thì điều này cũng có nghĩa là Quỹ LOAN Stiftung sẽ không thực hiện dự án này. Do đó Mè Nắng được bỏ ra khỏi danh sách dự án của chúng tôi.